Mỗi bậc cha mẹ đều có cách giáo dục con cái khác nhau. Theo chuyên gia Bela Raja tư vấn về nuôi dạy con, nếu cách giáo dục của bạn không hiệu quả và tiêu cực, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ.
“Cách nuôi dạy con tích cực là cha mẹ luôn tôn trọng nhu cầu và cảm xúc của trẻ cũng như trẻ tôn trọng cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ luôn khuyến khích, động viên trẻ phát triển cá tính riêng. Bạn cần dạy trẻ học cách tự tin và yêu bản thân. Thêm vào đó, bất kể trẻ lo lắng điều gì, kể cả nhỏ nhất, bạn cũng cần giúp đỡ trẻ vượt qua điều đó”, chuyên gia cho biết.
|
Ảnh: little-arf.blogspot.com.
|
Nếu bạn lo lắng rằng đứa con tuổi teen của mình đang tiêu tiền không kiểm soát, đó có thể là hậu quả của việc trẻ luôn bị bạn từ chối mọi nhu cầu khi còn nhỏ hoặc con bạn luôn tỏ ra do dự mỗi khi phải đưa ra quyết định. Đó cũng có thể là do bạn luôn bao bọc trẻ quá mức cần thiết hoặc quá lấn át trẻ. Hay khi có ai đó nhận xét rằng con bạn không lễ phép và kiêu ngạo, có thể bạn đã không giúp trẻ nhìn ra những sai lầm chúng mắc phải trong quá khứ.
Những kiểu nuôi dạy con cái thường gặp và những hệ quả tất yếu của nó cũng như cách khắc phục vấn đề:
1. Quá bao bọc con cái: Con cái quá lệ thuộc vào cha mẹ
Một đứa trẻ được nuôi nấng trong vòng tay bao bọc của cha mẹ quá kỹ càng sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này khi không còn cha mẹ ở bên mọi lúc mọi nơi. Nếu bạn không để con tự trải nghiệm mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng sẽ trở nên vô cùng lệ thuộc vào người khác, mềm yếu và không thể tự giải quyết các vấn đề của mình mà phải tìm kiếm sự giúp đỡ ngay cả trong hoàn cảnh không nghiêm trọng.
Lời khuyên: Những hành vi trên đây của bạn sẽ kiềm chế sự phát triển trí tuệ cảm xúc của trẻ. Bạn cần trao cho con cơ hội khám phá thế giới mà không can thiệp quá sâu.
2. Luôn nghi ngờ con cái: Con trở thành người hay nói dối và thiếu tin tưởng
Kiểm tra những việc con làm hoàn toàn là điều bình thường nhưng luôn kiểm soát gắt gao cuộc sống của chúng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của trẻ. Trẻ sẽ luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi nhìn thấy cuộc gọi hoặc tin nhắn của bạn. Để đối phó, chúng sẽ tìm cách nói dối bạn. Hình mẫu cha mẹ này sẽ vô hình chung áp đặt nỗi lo lắng của mình lên trẻ và kết quả là chúng sẽ trở nên thiếu tự tin vào bản thân.
Lời khuyên: Nếu bạn có thói quen liên tục kiểm tra con, hãy trò chuyện thẳng thắn với con và tìm ra giải pháp thích hợp. Chẳng hạn như, bạn có thể thỏa thuận với con là hãy chủ động thông báo với bạn mỗi khi chúng tới chơi nhà bạn bè hoặc làm những việc khác ngoài việc học thay vì bạn luôn gọi trước.
3. Cực đoan, ngược đãi con cái: Trẻ sẽ có tính cách khắc nghiệt
Là cha mẹ, bạn cần chỉ ra những sai lầm con mắc phải, nhưng ngược đãi con cái cả về mặt thể chất lẫn tinh thần có thể tạo thành vết sẹo trong tâm hồn của chúng. Bạn có thể làm tổn thương vĩnh viễn đến sự phát triển trí tuệ của con và hệ quả là sự tự trọng và tự tin cá nhân giảm sút. Những đứa trẻ này lớn lên cũng sẽ trở thành người có tính cách cực đoan và khắc nghiệt - nổi loạn hoặc bị người khác khinh thường.
Lời khuyên: Hãy học cách kiểm soát tính khí nóng nảy của bạn. Xem xét lại đâu là những lời nói và sai lầm trẻ mắc phải làm bạn tức giận và cố gắng kiềm chế sự giận dữ đó.
4. Luôn tạo áp lực cho con cái: Khiến trẻ cảm thấy thất vọng về bản thân
Nhiều bậc cha mẹ luôn mong muốn con cái mình là người giỏi nhất, do đó đã tạo ra áp lực rất nặng nề cho trẻ, khiến trẻ có thể dẫn đến suy nhược thần kinh và xu hướng tự tử để giải thoát sự bế tắc. Cha mẹ kiểu này thường cảm thấy khó chấp nhận được việc con cái thất bại và điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến tính cách của trẻ. Mỗi khi trẻ không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ, chúng cũng cảm thấy mình thật vô dụng.
Lời khuyên: Bạn cần chia sẻ những cảm xúc tích cực và lạc quan với trẻ. Khuyến khích trẻ mỗi khi con gặp thất bại trong cuộc sống.
5. Cha mẹ hay so sánh: Khiến trẻ thu mình
Những cha mẹ không biết chia sẻ với con cái sẽ làm cho tính cách của trẻ trở nên lệch lạc. Khi trẻ trưởng thành, chúng sẽ là người không có lòng tự trọng, luôn cảm thấy mình vô dụng và luôn cảm thấy hối tiếc.
Lời khuyên: Ngay cả khi bạn không hài lòng với con về điều gì đó, hãy nói chuyện một cách tích cực. Tránh tuyệt đối việc so sánh con với những đứa trẻ khác như anh chị em, bạn bè cũng như những cụm từ có thể làm tổn thương tinh thần của trẻ.
6. Cha mẹ thụ động và tiêu cực: Khiến trẻ trở thành người kiêu căng
Cha mẹ không thường xuyên tham gia vào các hoạt động của con cái hoặc quá khắc nghiệt với con sẽ biến con trẻ trở thành những người khó tính sau này. Nếu bạn không bao giờ từ chối yêu cầu của trẻ, chúng sẽ trở nên kiêu căng ngạo mạn và không thể chấp nhận được việc mắc lỗi hoặc những lời phê bình có tính xây dựng.
Lời khuyên: Hãy dành thời gian quý báu bên con càng nhiều càng tốt. Bạn hãy cùng tham gia các hoạt động giải trí cùng con như vẽ tranh, kể chuyện, đi công viên… Nếu con phạm lỗi, hãy chỉ ra điều đó một cách từ tốn và nhẹ nhàng. Không nên đầu hàng những biểu hiện của trẻ như ăn vạ, khóc lóc, cáu giận bởi chúng sẽ lặp lại hành động này.